Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Bộ trưởng, tôi hâm mộ ông!


Hôm nay(24/11/2011) ở nhà nghe trả lời chất vấn tại Quốc hội của bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận và bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, cảm xúc là hoàn toàn trái ngược nhau nhưng tựu chung tôi đều hâm mộ cả 2 ông!
Đối với bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận, khi nghe bộ trưởng trả lời tôi thực sự rất thất vọng! Lúng túng, vòng vo, sợ sệt là điều mà mọi người có thể nhìn thấy rất rõ khi xem ông trả lời. Bằng chứng là sau khi bị Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở thì ông Phạm Vũ Luận đã phải liên tục vừa trả lời vừa nhìn thái độ của Chủ tịch QH, có thời điểm trong 1 phút ông nhìn Chủ tịch QH tới hơn 10 lần! Lúc đó tôi nghĩ rằng không hiểu tại sao một bộ lo việc học của cả nước là bộ GD&ĐT mà lại đưa một người như vậy lên làm bộ trưởng! Chẳng nhẽ đất nước này hết người tài rồi hay sao!
          Tuy nhiên, sau khi ngẫm nghĩ tôi lại thấy phục tài ông Phạm Vũ Luận quá! Nếu như ông Nguyễn Minh Hiển làm bộ trưởng 2 nhiệm kì thì ông ấy đã làm GDVN tụt hậu thêm 10 năm so với thế giới. Đến thời ông Nguyễn Thiện Nhân, ông ta đã làm cho GDVN rối tung, rối mù lên rồi ngồi lên cái ghế Phó thủ tướng. Còn ông Phạm Vũ Luận thì cao tay hơn, ông ta chẳng làm gì cả rồi đùng một cái ông ta sắp kiếm được cái dự án 70.000 tỷ! Phục ông quá!
Ông Nguyễn Minh Hiển đến bây giờ ông vẫn mang tiếng khi nhiều người cho rằng ông là tác giả của căn bệnh thành tích đã thành mãn tính trong ngành GDVN hiện nay, cho nên đến bây giờ khi đã về hưu rồi nhưng chắc hẳn ông cũng không thể an hưởng tuổi già một cách trọn vẹn đươc. Còn ông Nguyễn Thiện Nhân mặc dù ông ta đã lên đến Phó thủ tướng rồi nhưng những lời oán trách ông vẫn còn vang lên khắp nơi. Với ông Phạm Vũ Luận, sau khi hết nhiệm kì thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người dưới quyền ông phải mang ơn ông vì nhờ ông họ đã trở thành đại gia! Ngành GD sẽ không còn bị mang tiếng là nghèo nữa, sướng nhá!
          Đối với bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ thì tôi nể tài ông thật, cũng như trước đây tôi nể tài cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển vậy.
          Tóm lại là tôi hâm mộ cả 2 ông!

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

TIN MỚI NHẤT!


TIN MỚI NHẤT: 
Việt Nam đoạt giải thưởng của  New Open World Corporation!

Sau nhiều năm tổ chức vận động bầu chọn rầm rộ và quy mô bậc nhất thế giới để hưởng ứng sân chơi do một công ty tư nhân có tên là NOWC (New Open World Corporation) tổ chức, Việt Nam đã thành công rực rỡ với việc Vịnh Hạ Long lọt vào tốp 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới. Không những vậy có nhiều khả năng Vịnh Hạ Long còn chiến thắng áp đảo các địa danh khác vì cuộc chơi này khi tham gia và muốn chiến thắng thì không cần bất cứ yếu tố gì ngoài đông người (có lẽ vì vậy mà anh Cam Pu Chia thất bại nặng nề ki tham gia bầu chọn 7 kỳ quan nhân tạo trong khi anh Trung Quốc thắng lớn - thật may là vụ này không có cái kỳ quan nào của Trung Quốc, nếu không thì với hơn 1,3 tỷ người cộng với việc đang muốn ăn tươi nuốt sống Việt Nam thì vụ Hạ Long thua là cái chắc). Chính vì vậy Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam chuẩn bị tổ chức lễ mừng công tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (y như lễ mừng công GS Ngô Bảo Châu đạt giải Fields) vào một  ngày đẹp trời.
Tại lễ mừng công, công ty tư nhân New Open World Corporation sẽ trao giải cho tập thể và cá nhân có thành tích cao trong cuộc vận động bình chọn (mà nghe nói là có bao nhiêu giải thì Việt Nam giành hết thì phải). Theo đó Việt Nam sẽ được trao những giải sau:
Về tập thể có giải:
+ Quốc gia có cuộc vận động bình chọn quy mô lớn nhất.
+ Quốc gia có hình thức vận động bầu chọn sáng tạo nhất: Thuộc về một Trường học của Việt Nam khi Hiệu trưởng yêu cầu mỗi học sinh nộp 30.000đ cho trường để trường nhắn tin bình chọn.
+ Tập thể yêu cầu thành viên của mình bầu chọn nhiều nhất : Tập đoàn Tuần Châu yêu cầu mỗi nhân viên phải nhắn tin bình chọn ít nhất 100 tin nhắn nếu không sẽ bị sa thải.
Về cá nhân có giải:
+ Quan chức cao cấp nhất chỉ đạo tổ chức bầu chọn: Thuộc về Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
+ Người bình chọn nhanh và nhiều nhất: Thuộc về Bộ trưởng Văn hoá Thể thao và Du lịch Việt Nam Hoàng Tuấn Anh.
+ Người ít tuổi nhất bình chọn: Thuộc về cháu đích tôn Bộ trưởng Văn hoá Thể thao và Du lịch Việt Nam Hoàng Tuấn Anh là cháu Thuỵ Anh mới 5 tháng tuổi.
Ối, sao lại đánh thức!

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

MAGENLLAN – CON NGƯỜI ĐI VÀO BẤT TỬ (KÌ 1)


“Chiến công của Magenllan vượt lên tất cả mọi chiến công trong thời ông. Hành trình của 5 con tàu bé bỏng ấy đúng là một cuộc thánh chiến của nhân loại tiến công vào thành trì của U mê. Nó là bất tử…bởi, khi tìm ra được kích thước của quả đất từ ngàn đời tìm kiếm, thì con người đã tìm ra được kích thước của chính mình …Chiến công của Magenllan một lần nữa chứng minh rằng, bằng cuộc đời ngắn ngủi bé nhỏ của mình, con người có thể biến những gì hàng trăm thế hệ hệ trước coi như giấc mơ trở thành hiện thực, trở thành chân lí muôn đời.”-Stefan Zweig

NHỮNG CHUYẾN ĐI ĐẦU TIÊN
          Không ai biết chắc chắn được Magenllan sinh ra ở đâu và tuổi thơ của ông ra sao, mà chỉ biết rằng ông sinh năm 1480 ở Bồ Đào Nha và đã có thời ông đeo thanh kiếm phục vụ hoàng hậu Eléonore của vương quốc Bồ Đào Nha. Nhưng thời kì này chẳng ai để ý đến ông. Năm 1504 khi 24 tuổi Magenllan gia nhập quân đội và tham gia chinh phạt Ấn Độ dưới sự chỉ huy của đô đốc Francisco de Almeida , khi đó Magenllan chỉ là một anh lính trơn trong số hàng ngàn tên tiểu tốt tham gia chinh phục thế giới.
          Trong lần chinh phạt đầu tiên này Magenllan nhanh chóng phải nếm mùi lửa đạn, đó là vào ngày 10/3/1506 khi đoàn quân chinh phạt có mặt tại Camanore(Ấn Độ ngày nay), nơi mà trước đó chưa lâu quốc vương Calicut đã tiếp đón thân tình Vasco da Gama. Tại đây quân Bồ Đào Nha đã giao chiến và tránh được thất bại trong may mắn khi có kẻ tiết lộ kế hoạch tấn công của nước sở tại. Magenllan không nằm trong số 80 binh sĩ bị chết trận nhưng lại là một trong số hơn 200 thương binh. Đây là vết thương đầu tiên trong số nhiều vết thương mà ông gặp sau này. Nhưng vết thương đã không làm nhụt chí khí của ông. Ông hiểu rằng thử thách lớn nhất của cuộc đời ông còn đang ở phía trước.
          Rồi Magenllan lại lên đường, lần này là dưới sự chỉ huy của đô đốc Lopez de Sequeira và vùng đất mà ông đặt chân đến là Malaca (Malaixia ngày nay). Tại đây quốc vương Malacca đã nhận ra mối hiểm hoạ mà đoàn tàu từ phương Tây đem đến, do đó vị quốc vương nước sở tại có sẵn một kế hoạch để tiêu diệt đoàn tàu này. Kế hoạch được tính toán kĩ và thực hiện khéo léo, thế nhưng sự nhạy bén của thuyền trưởng Garcia de Susa và sự nhanh nhẹn của anh lính Magenllan đã giúp đoàn thuyền Bồ đào Nha tránh được một thất bại. Ngoài thuyền trưởng, Magenllan còn cứu được người bạn thân là Francisco Serrao - người có ảnh hưởng lớn đến chuyến đi vòng quanh thế giới sau này của Magenllan.
          Lần thứ hai, ông có cơ hội quay trở lại Malaca nhưng là với tư cách một sĩ quan  trên một đoàn tàu gồm 19 tàu chiến của Bồ Đào Nha đến đây để phục hận. Dưới sự chỉ huy của đô đốc Albuquerque quân Bồ Đào Nha chỉ mất 6 tuần lễ để chinh phục được vương quốc này. Sau chuyến đi này Magenllan trở về Lisbone nuôi ý chuẩn bị cho chuyến đi của riêng mình, chuyến đi đó khiến ông trở thành bất tử.

CHUẨN BỊ CHO CUỘC HÀNH TRÌNH MỚI
          Chuyến đi vòng quanh thế giới của Magenllan có lẽ phải bắt đầu từ Serrao - người bạn thân thiết và được ông cứu sống ở Malacca. Serrao đã không trở về Bồ Đào Nha như Magenllan mà ở lại quần đảo Molucques (Indonesia ngày nay) để hưởng một cuộc sống yên bình và hạnh phúc. Tại đây, Serrao vẫn thường xuyên liên lạc và kể cho Magenllan về sự trù phú của hòn đảo mà ông sinh sống: “Tôi khám phá nơi đây một thế giới mới giàu hơn rộng hơn thế giới của Vasco da Gama nữa kia” . Sức hấp dẫn của nơi mà Serrao ở đã lôi cuốn Magenllan tìm ra con đường mới, con đường ngắn nhất để đến được quần đảo Moluques!
          Nhưng đó lại là thời điểm mà quốc vương Bồ Đào Nha không trọng dụng ông, do đó đã không tin lời ông và đương nhiên là không bỏ tiền ra để cho ông thực hiện chuyến đi. Ngay lập tức ông nghĩ đến quốc vương Tây Ban Nha, và cũng như bậc tiền bối là Colomb, Magenllan đã sang Tây Ban Nha để thực hiện chuyến đi vĩ đại của mình.
          Ngày 20/7/1517 Magenllan cùng người nô lệ Henrique tới Tây Ban Nha, tại đây nhờ sự khôn khéo và quả quyết của mình Magenllan đã thuyết phục được vua Tây Ban Nha Charles Quit cho phép thực hiện ý đồ của mình. Tuy được sự ủng hộ hết sức nhiệt thành của vua Tây Ban Nha nhưng trong thời gian chuẩn bị cho chuyến đi ông đã gặp phải rất nhiều khó khăn và trở ngại do sự chống đối của nhiều thế lực, trong đó có cả quốc vương Bồ Đào Nha Manoel. Nhưng đến lúc này không có gì có thể ngăn cản được ý đồ mà ông đã ấp ủ bấy lâu nay sắp thành hiện thực.
          Và vào phút chót trước khi đoàn tàu rời bến, trong một sự tình cờ, Magenllan đã tiếp nhận một anh chàng người Venise(Italia) có tên là Antonio Pigafetta. Anh chàng này tham gia đoàn thám hiểm chỉ vì thích được phiêu lưu và nhờ vào việc thông thạo chữ nghĩa nên anh được Magenllan giao nhiệm vụ ghi nhật kí chuyên đi. Sau này thế giới phải biết ơn Pigafetta vì nhờ có anh mà nhân loại biết được hành trình của chuyến đi ra sao đăc biệt là những lúc khó khăn cũng như huy hoàng của đoàn thám hiểm.   
                                                                                                                   (Còn nữa)