Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Thưa GS Văn Như Cương!


Thưa GS Văn Như Cương!
Từ trước tới nay tôi luôn luôn kính trọng Giáo sư và mặc dù chưa từng được một lần có vinh dự được học Giáo sư nhưng tôi vẫn mong muốn được là một người học trò nhỏ của Giáo sư!
Tôi đã nghe, xem nhiều bài viết, phỏng vấn của Giáo sư và tôi cho rằng Giáo sư là một trong số rất ít người hiểu đến tận gốc rễ nhiều vấn đề xã hội hiện nay, nhất là về giáo dục. Tuy nhiên gần đây tôi thấy có hai vấn đề giáo sư lên tiếng mà tôi không đồng tình.
Thứ nhất, là khi giáo sư phát biểu về sự kiện thi đại học năm 2011 với hàng ngàn điểm không môn lịch sử.
Thứ hai, là vừa rồi Giáo sư phát biểu khi có bài báo nói về việc GS Lê Văn Lan sống trong căn hộ 6m2.
Lần thứ nhất tôi không nói đến nữa vì nhà văn Nguyên Ngọc đã nói rồi.
Còn lần này tôi có mấy điều muốn thưa lại với giáo sư!
Trước hết tôi tự giới thiệu tôi là một giáo viên THPT, tấm bằng cao nhất mà tôi có hiện nay là cử nhân, tôi không có ý định học cao hơn vì chất lượng học cao học ở Việt Nam hiện nay như thế nào thì Giáo sư hiểu hơn ai hết, còn du học là điều không tưởng với điều kiện kinh tế mà tôi đang có, tôi cũng đã phải từ bỏ giấc mơ nghiên cứu khoa học vì vốn liếng ngoại ngữ hạn chế, tóm lại tôi không có bất cứ cơ hội nào để trở thành GS. Sở dĩ tôi phải giới thiệu dài dòng như vậy vì có thể Giáo sư sẽ hiểu lầm rằng tôi sẽ trở thành GS nên muốn đòi hỏi quyền lợi cho GS.
Giáo sư nói: “Đòi hỏi thì vô cùng. Bản thân tôi là một GS đã về hưu, tôi thấy mình “đủ sống” với đồng lương GS về hưu của mình. Chính sách đãi ngộ của Nhà nước ta với hàm GS, PGS, TS hiện nay có thể chưa thật cao, chưa thật xứng đáng với nhiều trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, mặt bằng chung là tương đối, có thể chấp nhận được. Để giàu có được bằng đồng lương GS là chuyện không thể.”…Thế nào mới là đủ? Thật khó để trả lời. Một GS chân chính, một nhà khoa học chân chính không bao giờ tính toán đến đồng lương GS mà hàng tháng, hàng năm Nhà nước trả cho anh ta là bao nhiêu. Cái mà các nhà khoa học chân chính quan tâm là họ đã nghiên cứu và cống hiện được cái gì cho khoa học. Giới GS chịu khổ quen rồi…”… “Không có gì khó hiểu. Bạn hãy dùng một phép tính để giải thích cho hiện tượng này. Hiện nay, chúng ta có quá nhiều các GS, các PGS lại chưa kể đến các TS, các Th.S. Ngân sách Nhà nước có hạn. Thêm vào đó là năng lực của từng người khác nhau. Không phải ai có hàm GS, PGS cũng có những nghiên cứu, cống hiến khoa học cho đất nước. Để đòi hỏi một chế độ đãi ngộ cao hơn, đồng bộ hơn cho tất cả là điều chưa thể có và cũng không được công bằng. Do đó, khi vàng thau lẫn lộn thì tất cả đều phải chịu một cơ chế đãi ngộ như nhau.”
Thú thực với Giáo sư, tôi hơi bất ngờ với những câu nói này của Giáo sư đấy, bởi vì có thể với khả năng hiểu biết hạn chế của mình tôi đã hiểu nhầm ý của Giáo sư chăng! Tôi đã hiểu những câu nói của Giáo sư là chính sách đãi ngộ hiện nay của nhà nước dành cho GS là “chấp nhận được” và rằng “Một GS chân chính, một nhà khoa học chân chính không bao giờ tính toán đến đồng lương GS mà hàng thắng, hàng năm Nhà nước trả cho anh ta là bao nhiêu… Giới GS chịu khổ quen rồi…” và rằng với chế độ đãi nghộ hiện nay dành cho các Giáo sư là “Không có gì khó hiểu” vì “Hiện nay, chúng ta có quá nhiều các GS, các PGS lại chưa kể đến các TS, các Th.S. Ngân sách Nhà nước có hạn” do đó “Để đòi hỏi một chế độ đãi ngộ cao hơn, đồng bộ hơn cho tất cả là điều chưa thể có và cũng không được công bằng”
Tôi có thể khẳng định với Giáo sư là chế độ đãi ngộ của nhà nước hiện nay đối với các GS nói riêng và người lao động trí óc nói chung không phải là thấp, mà là quá thấp! Để bao biện cho việc này người ta đưa ra cả ngàn lí do, đại loại như là đất nước ta còn nghèo, ngân sách có hạn, nhà nước còn phải lo nhiều việc chứ đâu có phải chỉ có mỗi một việc đâu, hay như chính Giáo sư đưa ra là “vàng thau lẫn lộn” nên không thể hơn được vân vân và vân vân.       Xin thưa với Giáo sư là không có nhà nước nào thiếu tiền, mà chỉ có nhà nước không biết cách tiêu tiền hợp lí thôi (Nguyễn Trần Bạt). Tất nhiên chúng ta không ai đòi hỏi chế độ đãi ngộ dành cho GS ở nước ta phải cao như Mỹ hay Nhật vì điều đó là vô lí, nhưng nhà nước cũng phải có chính sách đãi ngộ tương tự như họ đã làm thì mới là hợp lí. Tôi chỉ lấy một ví dụ là ở Senegal thu nhập theo đầu người chưa bằng 2/3 Việt Nam nhưng lương trung bình GS của họ cao hơn những GS đầu ngành của Việt Nam 3 lần. Vậy mà họ coi mức đó là thấp và vẫn đang tiếp tục đấu tranh để được hưởng mức lương cao hơn!
Thưa Giáo sư, nếu giả sử nhà nước tăng lương cho GS lên gấp 10 lần mức hiện nay thì số tiền chi thêm của nhà nước có đến 0,01% ngân sách không! Hay tăng lương cho tất cả những người lao động trí óc (nhà khoa học, chuyên viên, giáo viên) lên gấp 3 lần hiện nay thì có bằng 1/10 lượng tiền thất thoát do tham nhũng hay không (theo nhiều trí thức và chính nguyên thủ tướng Phan Văn Khải nói tại Quốc hội thì con số này là khỏang 36% tổng ngân sách nhà nước).
(Còn nữa)