Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Vì sao chất lượng dạy và học môn lịch sử thấp?

Đặng Hữu Tuấn
THPT Phương Sơn - Lục Nam - Bắc Giang 

  Theo kết quả công bố điểm thi tuyển sinh đại học của một số trường năm nay thì điểm thi môn Lịch sử được xem là thấp không ngờ, ngay cả khi so sánh điểm thi môn Lịch sử với những bộ môn khác của khối C như Địa Lí, Ngữ Văn.
 Đây không phải là điều gì mới mẻ bởi tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay, theo thông kê năm 2005 có 58,5% số bài thi môn Lịch sử bị điểm 1 trở xuống, năm 2006 điểm trung bình các bài thi là 1,96, thấp nhất trong số các môn thi vào ĐH, năm 2007 điểm dưới trung bình chiếm 95,74%. Với những kết quả thi như trên chúng ta có thể thấy rõ một sự thật là chất lượng dạy và học môn Lịch sử ở trường Phổ thông hiện nay thấp, nếu như không muốn nói là rất thấp.
 Vậy tại sao chất lượng môn Lịch sử lại thấp như vậy? Lỗi do giáo viên, học sinh hay trương trình, sách giáo khoa… hay do tất cả, và nếu là tất cả thì mỗi một yếu tố trên ảnh hưởng cụ thể là như thế nào? Đây là điều mà đã có rất nhiều học giả, giáo viên lên tiếng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một lí giải nào toàn diện, hầu hết chỉ đưa ra được một vài nguyên nhân nào đó, và do vậy  thường là phiến diện bởi đa số những người lên tiếng lại là những người ngoài ngành hoặc là không trực tiếp đứng lớp giảng dạy Lịch sử ở trong trường Phổ thông.
Nhìn chung, dư luận xã hôi cho đều rằng học sinh chán ghét môn Lịch sử, giáo viên dạy không hấp dẫn và học lịch sử chẳng để làm gì, còn trong trường học môn Lịch sử lại là môn cứu cánh cho những kì thi Tốt nghiệp (thiếu nghiêm túc).
Đúng là hiện nay học sinh về cơ bản là không thích học môn Lịch sử, và do vậy đương nhiên điểm môn sử sẽ không thể cao được. Mà nếu có cao đi nữa thì đó chắc chắn là một điều bất bình thường. Vậy thì tại sao một môn học đáng lẽ ra phải là một trong những học môn học hấp dẫn người học nhất lại trở thành một trong những môn học “đáng sợ” nhất của học sinh?
Với kinh nghiệm gần mười năm đứng trên bục giảng và với sự hiểu biết còn hạn chế của một giáo viên dạy sử ở trường Trung học Phổ thông tôi xin được nêu ra một vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên:
1. Không có giá trị sử dụng.
Học Sử hoặc những ngành phải thi môn Sử thì rất khó kiếm việc làm, mà nếu có việc làm đi nữa thì đó là những việc kiếm ra rất ít tiền. Đó là chưa kể tới việc để có được việc làm họ còn phải mất một khoản tiền không nhỏ để xin việc vì hầu hết những công việc phù hợp với ngành học thường là những công việc làm ở cơ quan nhà nước. Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng là có ít nhất 96% số người làm vì tiền và chỉ muốn làm những việc kiếm ra nhiều tiền. Do đó môn Sử không hấp dẫn họ, hay nói đúng hơn là họ không có động lực để học Sử.
2. Sách giáo khoa.
Ai cũng biết ở Việt Nam tuyệt đại đa số học sinh khi đến trường học thì tài liệu gần như duy nhất để học là sách giáo khoa (tài liệu tham khảo nếu có chỉ là những cuốn sách ôn thi).
Mà sách giáo khoa thì như thế nào? Tôi đã từng đọc hầu hết sách giáo khoa Lịch sử từ lớp 4 đến lớp 12 đang sử dụng hiện nay, và có thể nói một điều là kinh khủng! Sách rất mỏng, ít trang nhưng người ta đưa vào đó một khối lượng kiến thức khổng lồ với đầy dẫy những số liệu mà đến ngay cả giáo viên nếu có nhớ được thì cũng sẽ là thiên tài! Chưa hết, ngôn ngữ thì vô cùng khô khan, câu từ thì cộc lốc, mỗi đoạn thường thì chỉ dăm bảy câu là hết. Và còn vô vàn những thuật ngữ, thậm chí nhiều thuật ngữ khó đến mức giáo viên khó mà giải thích đến nơi, đến chốn được. Đọc sách Sử mà tôi có cảm giác như đang đọc một cuốn sách lí luận. Ngay một giáo viên Sử khi đọc nhiều khi còn cảm thấy như một cực hình, do đó sẽ không có gì là lạ nếu học sinh không muốn đọc nó.
Tôi cũng đã đọc sách lịch sử dành cho học sinh phổ thông nước Pháp và sách của Nguyễn Hiến Lê viết cho học sinh miền Nam trước năm 1975. Đó là những cuốn sách vô cùng hấp dẫn và dễ hiểu, chỉ cần không ghét môn Sử thì khi đọc nó không ai muốn rời quyển sách ra khỏi tay khi chưa đọc xong, mà nếu có ghét đi chăng nữa thì đọc nó rồi sẽ phải suy nghĩ lại. Còn về sách tham khảo, sách Lịch sử đang được bán ở các hiệu sách thì cũng chẳng hơn là bao khi mà rất hiếm có được một cuốn sách hay, chất lượng nếu tác giả của cuốn sách đó là người Việt Nam. Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần đã từng phải thốt lên “học sinh không thích học sử, học văn, ta phải mừng vì sách sử, sách văn hiện quá lôm côm ".
3. Thời lượng dạy trên lớp quá ít.
Nói điều này sẽ có nhiều người cười, vì môn nào chả kêu là được dạy quá ít, và có môn nào là không kêu gào để được tăng tiết dạy đâu. Ở đây tôi chỉ lấy một ví dụ. Theo GS TSKH Vũ Minh Giang (hiện là Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) trong một lần phát biểu trên trương trình 8h tối thứ 6 ngày 5/9/2008 của kênh VTV2 ông nói rằng ở Mĩ, Pháp trong trường Phổ thông học sinh được học 4, 5 tiết/tuần. Còn ở Việt Nam 3 năm THPT học sinh chỉ được học 140 tiết/105 tuần,  trung bình chưa đầy 1,5 tiết/tuần. Thật là kì lạ là ở Việt Nam rất coi trọng chính trị, và môn sử là môn gần chính trị nhất, vậy mà môn Sử lại là môn bị đối xử bạc nhất. Có lẽ tại Mĩ, Pháp kém văn minh hơn ta cho nên họ cần phải học sử nhiều vì sự hiểu biết nhiều hay ít về Lịch sử được coi là một tiêu chí đánh giá trình độ văn minh của một  quốc gia mà!
4. Quan điểm lịch sử thiếu khách quan, khoa học.
 Với việc coi môn Sử là một môn dạy phải phục vụ mục đích chính trị nên nội dung kiến thức được viết ra theo quan điểm của Đảng và nhà nước, và do đó không cho phép giáo viên, học sinh có quan điểm khác. Đây là một điều cần phải xem xét lại! Bởi vì điều này sẽ hạn chế khả năng tư duy sáng tạo của học sinh, biến học sinh thành cái máy dập khuôn theo những gì thầy cô(mà thực chất là sách) nói. Lịch sử là một môn khoa học xã hội và nhân văn, mà đã là môn khoa học xã hội và nhân văn thì không thể có đúng hay sai tuỵệt đối được(các môn khoa học khác cũng vậy nhưng không rõ ràng bằng). Lịch sử là khách quan, nhưng nhìn nhận lịch sử là chủ quan. Không thể nói rằng tôi thấy nó đúng thì bắt mọi người cũng phải công nhận là đúng được. Thế là học sinh khi đọc sách sử chỉ thấy ta đúng họ sai, ta tốt họ xấu, ta thắng họ thua, ta sống họ chết… Cho nên học sinh thường chỉ được biết và hiểu theo hướng một chiều hết sức phiến diện và đương nhiên là theo quan điểm của người khác. Vẫn biết là khi dạy thì cần phải định hướng cho học sinh nhưng điều đó không có nghĩa là áp đặt hoàn toàn mang tính chất bắt buộc được.
5. Giáo viên thiếu tâm huyết.
Dạy lịch sử cần có tâm huyết, yêu nghề thì mới dạy hay được. Nhưng hiện nay giáo viên nói chung và giáo viên dạy Lịch sử nói riêng hầu hết là không tâm huyết với nghề. Lí do chính là công việc này không mạng lại thu nhập đảm bảo cuộc sống. Sẽ không quá khi nói rằng giáo viên hiện nay có thể chia làm 4 loại nếu xét về nguồn thu nhập: thứ nhất là những giáo viên coi việc dạy học trên lớp là phụ dạy thêm là chính; thứ hai là những giáo viên coi dạy học là phụ kinh doanh ngoài là chính; thứ ba là những giáo viên coi dạy học là chính và không làm thêm (những người này hoặc là không muốn hoặc là không biết làm thêm việc gì nên họ thường là nghèo); thứ tư là những giáo viên coi day học là chính (những người này thường là giáo viên nữ có chồng giàu có và do vậy đương nhiên là họ cũng chẳng chí thú gì việc dạy học). Như thế có thể thấy rất ít giáo viên tâm huyết với nghề và do đó bài giảng thường thiếu đi sự hấp dẫn người học, trở nên khô khan thiếu sức thuyết phục.
6. Không được xã hội coi trọng đúng mức.
 Trong trường học môn Sử luôn bị coi là môn phụ, thường bị lãnh đạo và đồng nghiệp và kể cả xã hội nhìn bằng ánh mắt thiếu thiện cảm (vì những giáo viên dạy Toán, Lí… có giá hơn!). Còn học sinh và phụ huynh thì có suy nghĩ đơn giản rằng học Sử chẳng có ích gì vì nó không phục vụ cho việc thi và kiếm tiền sau này.
Đọc văn kiện Đại hội Đảng chúng ta cũng thấy Đảng và nhà nước cũng đã nhận ra điều này và nhấn mạnh là phải coi trọng và tăng cường các môn khoa học xã hội và nhân văn trong trường học nhưng sau mỗi lần cải cách giáo dục và thay sách người ta lại thấy những môn này bj hạ thấp hơn. Có lẽ những điều được nói ra và đưa thành khẩu hiệu là những điều người ta không bao giờ làm! (Nguyên nhân này không khó hiểu. Lấy một ví dụ: Ở Hoa Kì để trở thành một viên chức nhà nước ứng viên phải vượt qua một bài kiểm tra kiến thức Lịch sử, và để được bổ nhiệm một chức vụ cao hơn hay ứng cử một vị trí nào đó như nghị sĩ chẳng hạn thì người ta cũng phải vượt qua bài kiểm tra kiến thức Lịch sử, vị trí càng cao thì mức độ khó cũng cao hơn, do đó đương nhiên bài kiểm tra dành cho ứng viên Tổng thống là khó nhất. Lãnh đạo hiểu biết về Lịch sử, hiểu được giá trị của bài học Lịch sử cho nên sẽ không có gì là ngạc nhiên khi Hoa Kì chỉ có hơn 200 năm Lịch sử lại coi môn Sử là một trong những môn quan trọng nhất ở trường Phổ thông).
          7. Phương pháp dạy học lạc hậu.
Đây là nguyên nhân dễ nhận thấy nhất và cũng được nói đến nhiều nhất nhưng mặt khác cũng là nguyên nhân khó khắc phục nhất. Và khi nhắc đến nguyên nhân này thì người ta chỉ làm một việc đơn giản duy nhất là đổ lỗi cho giáo viên. Nhưng thực chất giáo viên chỉ là người chịu hậu quả của một nền giáo dục lạc hậu đã kéo dài mà thôi. Tất cả Giáo viên đều biết rất rõ về điều này nhưng họ gần như không có lựa chọn khác.
 Phương pháp day học truyền thống và vẫn phổ biến hiện nay là thầy giảng rồi đọc cho trò chép. Mặc dù trong mâý năm gần đây Bộ Giáo dục có tiến hành cải cách, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, chủ động đối với người học, lấy người học làm trung tâm và triển khai rất quyết liệt đến giáo viên nhưng đến bây giờ có thể khẳng định rằng trương trình đổi mới phương pháp dạy học vẫn chỉ được thực hiện trên lí thuyết và khẩu hiệu.
Thực tế là rất khó có thể áp dụng đổi mới phương pháp dạy học được vì trương trình, điều kiện hiện nay không cho phép mặc dù hầu hết giáo viên đều rất muốn. Có cả ngàn lí do cản trở việc thực hiện đổi mới phương pháp, ở đây tôi chỉ nêu ra 2 lí do chính:
1, Áp lực thi cử(đúng hơn là áp lực thành tích), nếu không đọc cho trò chép thì trò không ghi chép được và do đó chẳng biết học như thế nào để phục vụ cho những bài kiểm tra mà nếu như không thuộc thì không làm được;
2, Bài học quá dài, thời lượng 1 tiết là 45 phút nhưng nhiều bài dài đến 7, 8 trang SGK(khổ 17 x 24cm) với cả gần chục đề mục, trong khi giáo viên rất khó có thể lược dạy hay cho học sinh tự học vì sợ thi vào học sinh không làm được và  đến khi đó họ lại phải chịu trách nhiệm.
8. Trang thiết bị, đồ dùng dạy học thiếu.
Ở hầu hết các trường trang thiết bị dạy học Sử đều rất thiếu, đặc biệt là trường dân lập ở các địa phương. Thường thì chỉ có một số ít bản đồ còn mô hình, sa bàn thì hoàn toàn không có. Trong khi chi phí cho một mô hình lịch sử còn đơn giản và rẻ hơn nhiều so với một máy phát điện hay một kính hiển vi. Giáo viên khi lên lớp vẫn thường là phải tự làm ra đồ dùng để phục vụ cho bài dạy của mình.
9. Cách thức tổ chức và ra đề kiểm tra.
Ở Việt Nam áp lực thi cử đối với học sinh là rất lớn. Sở dĩ có áp lực lớn là vì một phần là do cách tổ chức thi và cách ra đề kiểm tra.
Về cách tổ chức thi thì thường là thi cả khối và trộn học sinh các lớp vào với nhau, và ngoài kì thi cuối kì lại còn có cả thi giữa kì, thậm chí có trường còn tổ chức cả kiểm tra 45 phút chung nữa. Điều này gây áp lực tâm lí  nặng nề cho học sinh khi mà vừa mới trải qua kì thi này đã phải chuẩn bị cho kì thi sau.
Còn cách ra đề thì thường là thi đề chung của toàn địa phương(tỉnh hoặc huyện), điều này khiến cho Giáo viên buộc phải dạy đầy đủ kiến thức trong sách vì nếu nhỡ thi vào nội dung mà Giáo viên cho học sinh về nhà tự học(vì bài quá dài và trường hợp này thì học chẳng bao gời học) thì học sinh điểm thấp và đương nhiên là họ phải chịu trách nhiệm.
10. Dạy đúng phân phối chương trình.
Giáo viên buộc phải dạy đúng phân phối chương trình quy định mặc dù hiện nay giáo viên được phép điều chỉnh phân phối chương trình cho phù hợp nhưng sẽ rất phiền phức khi có đoàn thanh kiểm tra đến nên hầu như chẳng ai làm việc này. Trong khi các trường hiện nay đều phân luồng học sinh theo khối thi do đó cách dạy và phân phối chương trình từng lớp cần có sự khác nhau, đặc biệt là khi lên lớp dạy có rất nhiều tình huống phát sinh khiến Giáo viên phải điều chỉnh cho phù hợp. Và hệ quả là Giáo viên thường xuyên phải chạy cho kịp chương trình.
Ở các nước phát triển Giáo viên được tuỳ chỉnh chương trình và bài dạy miễn sao đến cuối học kì họ đảm bảo dạy đủ số tiết và hoàn thành chương trình cho nên họ thoải mái thực hiện những ý tưởng dạy học khác nhau hay cùng học sinh giải quyết đến nơi đến chốn một nội dung nào đó của bài học.

Bài viết đã được Vietnamnet đăng, tuy nhiên khi Vietnamnet đăng lên thì đã cắt một số câu, đưa thêm đề mục mới vào và thay đổi nhan đề bài viết thành “Vì sao học sinh ghẻ lạnh với môn lịch sử”. Việc đưa thêm đề mục mới vào giúp người đọc dễ hiểu hơn nhưng cắt một số câu có thể khiến người đọc hiểu sai ý.

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

CHẤT VẤN TẠI QUỐC HỘI

Đại biểu Quốc hội hỏi: Nhiều người khẳng định rằng để được tuyển dụng hay bổ nhiệm công chức họ phải mất rất nhiều tiền. Vậy xin hỏi bộ trưởng là có việc này không, và nếu có thì bộ trưởng sẽ làm gì để giải quyết việc này?
Bộ trưởng trả lời: Đến ngay cả tôi, để lên được đến chức bộ trưởng này cũng còn phải mất cả một núi tiền nữa là, thì chuyện đó không có gì là lạ. Do vậy tôi thấy không cần phải giải quyết việc này.

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Thưa GS Văn Như Cương!


Thưa GS Văn Như Cương!
Từ trước tới nay tôi luôn luôn kính trọng Giáo sư và mặc dù chưa từng được một lần có vinh dự được học Giáo sư nhưng tôi vẫn mong muốn được là một người học trò nhỏ của Giáo sư!
Tôi đã nghe, xem nhiều bài viết, phỏng vấn của Giáo sư và tôi cho rằng Giáo sư là một trong số rất ít người hiểu đến tận gốc rễ nhiều vấn đề xã hội hiện nay, nhất là về giáo dục. Tuy nhiên gần đây tôi thấy có hai vấn đề giáo sư lên tiếng mà tôi không đồng tình.
Thứ nhất, là khi giáo sư phát biểu về sự kiện thi đại học năm 2011 với hàng ngàn điểm không môn lịch sử.
Thứ hai, là vừa rồi Giáo sư phát biểu khi có bài báo nói về việc GS Lê Văn Lan sống trong căn hộ 6m2.
Lần thứ nhất tôi không nói đến nữa vì nhà văn Nguyên Ngọc đã nói rồi.
Còn lần này tôi có mấy điều muốn thưa lại với giáo sư!
Trước hết tôi tự giới thiệu tôi là một giáo viên THPT, tấm bằng cao nhất mà tôi có hiện nay là cử nhân, tôi không có ý định học cao hơn vì chất lượng học cao học ở Việt Nam hiện nay như thế nào thì Giáo sư hiểu hơn ai hết, còn du học là điều không tưởng với điều kiện kinh tế mà tôi đang có, tôi cũng đã phải từ bỏ giấc mơ nghiên cứu khoa học vì vốn liếng ngoại ngữ hạn chế, tóm lại tôi không có bất cứ cơ hội nào để trở thành GS. Sở dĩ tôi phải giới thiệu dài dòng như vậy vì có thể Giáo sư sẽ hiểu lầm rằng tôi sẽ trở thành GS nên muốn đòi hỏi quyền lợi cho GS.
Giáo sư nói: “Đòi hỏi thì vô cùng. Bản thân tôi là một GS đã về hưu, tôi thấy mình “đủ sống” với đồng lương GS về hưu của mình. Chính sách đãi ngộ của Nhà nước ta với hàm GS, PGS, TS hiện nay có thể chưa thật cao, chưa thật xứng đáng với nhiều trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, mặt bằng chung là tương đối, có thể chấp nhận được. Để giàu có được bằng đồng lương GS là chuyện không thể.”…Thế nào mới là đủ? Thật khó để trả lời. Một GS chân chính, một nhà khoa học chân chính không bao giờ tính toán đến đồng lương GS mà hàng tháng, hàng năm Nhà nước trả cho anh ta là bao nhiêu. Cái mà các nhà khoa học chân chính quan tâm là họ đã nghiên cứu và cống hiện được cái gì cho khoa học. Giới GS chịu khổ quen rồi…”… “Không có gì khó hiểu. Bạn hãy dùng một phép tính để giải thích cho hiện tượng này. Hiện nay, chúng ta có quá nhiều các GS, các PGS lại chưa kể đến các TS, các Th.S. Ngân sách Nhà nước có hạn. Thêm vào đó là năng lực của từng người khác nhau. Không phải ai có hàm GS, PGS cũng có những nghiên cứu, cống hiến khoa học cho đất nước. Để đòi hỏi một chế độ đãi ngộ cao hơn, đồng bộ hơn cho tất cả là điều chưa thể có và cũng không được công bằng. Do đó, khi vàng thau lẫn lộn thì tất cả đều phải chịu một cơ chế đãi ngộ như nhau.”
Thú thực với Giáo sư, tôi hơi bất ngờ với những câu nói này của Giáo sư đấy, bởi vì có thể với khả năng hiểu biết hạn chế của mình tôi đã hiểu nhầm ý của Giáo sư chăng! Tôi đã hiểu những câu nói của Giáo sư là chính sách đãi ngộ hiện nay của nhà nước dành cho GS là “chấp nhận được” và rằng “Một GS chân chính, một nhà khoa học chân chính không bao giờ tính toán đến đồng lương GS mà hàng thắng, hàng năm Nhà nước trả cho anh ta là bao nhiêu… Giới GS chịu khổ quen rồi…” và rằng với chế độ đãi nghộ hiện nay dành cho các Giáo sư là “Không có gì khó hiểu” vì “Hiện nay, chúng ta có quá nhiều các GS, các PGS lại chưa kể đến các TS, các Th.S. Ngân sách Nhà nước có hạn” do đó “Để đòi hỏi một chế độ đãi ngộ cao hơn, đồng bộ hơn cho tất cả là điều chưa thể có và cũng không được công bằng”
Tôi có thể khẳng định với Giáo sư là chế độ đãi ngộ của nhà nước hiện nay đối với các GS nói riêng và người lao động trí óc nói chung không phải là thấp, mà là quá thấp! Để bao biện cho việc này người ta đưa ra cả ngàn lí do, đại loại như là đất nước ta còn nghèo, ngân sách có hạn, nhà nước còn phải lo nhiều việc chứ đâu có phải chỉ có mỗi một việc đâu, hay như chính Giáo sư đưa ra là “vàng thau lẫn lộn” nên không thể hơn được vân vân và vân vân.       Xin thưa với Giáo sư là không có nhà nước nào thiếu tiền, mà chỉ có nhà nước không biết cách tiêu tiền hợp lí thôi (Nguyễn Trần Bạt). Tất nhiên chúng ta không ai đòi hỏi chế độ đãi ngộ dành cho GS ở nước ta phải cao như Mỹ hay Nhật vì điều đó là vô lí, nhưng nhà nước cũng phải có chính sách đãi ngộ tương tự như họ đã làm thì mới là hợp lí. Tôi chỉ lấy một ví dụ là ở Senegal thu nhập theo đầu người chưa bằng 2/3 Việt Nam nhưng lương trung bình GS của họ cao hơn những GS đầu ngành của Việt Nam 3 lần. Vậy mà họ coi mức đó là thấp và vẫn đang tiếp tục đấu tranh để được hưởng mức lương cao hơn!
Thưa Giáo sư, nếu giả sử nhà nước tăng lương cho GS lên gấp 10 lần mức hiện nay thì số tiền chi thêm của nhà nước có đến 0,01% ngân sách không! Hay tăng lương cho tất cả những người lao động trí óc (nhà khoa học, chuyên viên, giáo viên) lên gấp 3 lần hiện nay thì có bằng 1/10 lượng tiền thất thoát do tham nhũng hay không (theo nhiều trí thức và chính nguyên thủ tướng Phan Văn Khải nói tại Quốc hội thì con số này là khỏang 36% tổng ngân sách nhà nước).
(Còn nữa)

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Bộ trưởng, tôi hâm mộ ông!


Hôm nay(24/11/2011) ở nhà nghe trả lời chất vấn tại Quốc hội của bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận và bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, cảm xúc là hoàn toàn trái ngược nhau nhưng tựu chung tôi đều hâm mộ cả 2 ông!
Đối với bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận, khi nghe bộ trưởng trả lời tôi thực sự rất thất vọng! Lúng túng, vòng vo, sợ sệt là điều mà mọi người có thể nhìn thấy rất rõ khi xem ông trả lời. Bằng chứng là sau khi bị Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở thì ông Phạm Vũ Luận đã phải liên tục vừa trả lời vừa nhìn thái độ của Chủ tịch QH, có thời điểm trong 1 phút ông nhìn Chủ tịch QH tới hơn 10 lần! Lúc đó tôi nghĩ rằng không hiểu tại sao một bộ lo việc học của cả nước là bộ GD&ĐT mà lại đưa một người như vậy lên làm bộ trưởng! Chẳng nhẽ đất nước này hết người tài rồi hay sao!
          Tuy nhiên, sau khi ngẫm nghĩ tôi lại thấy phục tài ông Phạm Vũ Luận quá! Nếu như ông Nguyễn Minh Hiển làm bộ trưởng 2 nhiệm kì thì ông ấy đã làm GDVN tụt hậu thêm 10 năm so với thế giới. Đến thời ông Nguyễn Thiện Nhân, ông ta đã làm cho GDVN rối tung, rối mù lên rồi ngồi lên cái ghế Phó thủ tướng. Còn ông Phạm Vũ Luận thì cao tay hơn, ông ta chẳng làm gì cả rồi đùng một cái ông ta sắp kiếm được cái dự án 70.000 tỷ! Phục ông quá!
Ông Nguyễn Minh Hiển đến bây giờ ông vẫn mang tiếng khi nhiều người cho rằng ông là tác giả của căn bệnh thành tích đã thành mãn tính trong ngành GDVN hiện nay, cho nên đến bây giờ khi đã về hưu rồi nhưng chắc hẳn ông cũng không thể an hưởng tuổi già một cách trọn vẹn đươc. Còn ông Nguyễn Thiện Nhân mặc dù ông ta đã lên đến Phó thủ tướng rồi nhưng những lời oán trách ông vẫn còn vang lên khắp nơi. Với ông Phạm Vũ Luận, sau khi hết nhiệm kì thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người dưới quyền ông phải mang ơn ông vì nhờ ông họ đã trở thành đại gia! Ngành GD sẽ không còn bị mang tiếng là nghèo nữa, sướng nhá!
          Đối với bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ thì tôi nể tài ông thật, cũng như trước đây tôi nể tài cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển vậy.
          Tóm lại là tôi hâm mộ cả 2 ông!

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

TIN MỚI NHẤT!


TIN MỚI NHẤT: 
Việt Nam đoạt giải thưởng của  New Open World Corporation!

Sau nhiều năm tổ chức vận động bầu chọn rầm rộ và quy mô bậc nhất thế giới để hưởng ứng sân chơi do một công ty tư nhân có tên là NOWC (New Open World Corporation) tổ chức, Việt Nam đã thành công rực rỡ với việc Vịnh Hạ Long lọt vào tốp 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới. Không những vậy có nhiều khả năng Vịnh Hạ Long còn chiến thắng áp đảo các địa danh khác vì cuộc chơi này khi tham gia và muốn chiến thắng thì không cần bất cứ yếu tố gì ngoài đông người (có lẽ vì vậy mà anh Cam Pu Chia thất bại nặng nề ki tham gia bầu chọn 7 kỳ quan nhân tạo trong khi anh Trung Quốc thắng lớn - thật may là vụ này không có cái kỳ quan nào của Trung Quốc, nếu không thì với hơn 1,3 tỷ người cộng với việc đang muốn ăn tươi nuốt sống Việt Nam thì vụ Hạ Long thua là cái chắc). Chính vì vậy Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam chuẩn bị tổ chức lễ mừng công tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (y như lễ mừng công GS Ngô Bảo Châu đạt giải Fields) vào một  ngày đẹp trời.
Tại lễ mừng công, công ty tư nhân New Open World Corporation sẽ trao giải cho tập thể và cá nhân có thành tích cao trong cuộc vận động bình chọn (mà nghe nói là có bao nhiêu giải thì Việt Nam giành hết thì phải). Theo đó Việt Nam sẽ được trao những giải sau:
Về tập thể có giải:
+ Quốc gia có cuộc vận động bình chọn quy mô lớn nhất.
+ Quốc gia có hình thức vận động bầu chọn sáng tạo nhất: Thuộc về một Trường học của Việt Nam khi Hiệu trưởng yêu cầu mỗi học sinh nộp 30.000đ cho trường để trường nhắn tin bình chọn.
+ Tập thể yêu cầu thành viên của mình bầu chọn nhiều nhất : Tập đoàn Tuần Châu yêu cầu mỗi nhân viên phải nhắn tin bình chọn ít nhất 100 tin nhắn nếu không sẽ bị sa thải.
Về cá nhân có giải:
+ Quan chức cao cấp nhất chỉ đạo tổ chức bầu chọn: Thuộc về Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
+ Người bình chọn nhanh và nhiều nhất: Thuộc về Bộ trưởng Văn hoá Thể thao và Du lịch Việt Nam Hoàng Tuấn Anh.
+ Người ít tuổi nhất bình chọn: Thuộc về cháu đích tôn Bộ trưởng Văn hoá Thể thao và Du lịch Việt Nam Hoàng Tuấn Anh là cháu Thuỵ Anh mới 5 tháng tuổi.
Ối, sao lại đánh thức!

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

MAGENLLAN – CON NGƯỜI ĐI VÀO BẤT TỬ (KÌ 1)


“Chiến công của Magenllan vượt lên tất cả mọi chiến công trong thời ông. Hành trình của 5 con tàu bé bỏng ấy đúng là một cuộc thánh chiến của nhân loại tiến công vào thành trì của U mê. Nó là bất tử…bởi, khi tìm ra được kích thước của quả đất từ ngàn đời tìm kiếm, thì con người đã tìm ra được kích thước của chính mình …Chiến công của Magenllan một lần nữa chứng minh rằng, bằng cuộc đời ngắn ngủi bé nhỏ của mình, con người có thể biến những gì hàng trăm thế hệ hệ trước coi như giấc mơ trở thành hiện thực, trở thành chân lí muôn đời.”-Stefan Zweig

NHỮNG CHUYẾN ĐI ĐẦU TIÊN
          Không ai biết chắc chắn được Magenllan sinh ra ở đâu và tuổi thơ của ông ra sao, mà chỉ biết rằng ông sinh năm 1480 ở Bồ Đào Nha và đã có thời ông đeo thanh kiếm phục vụ hoàng hậu Eléonore của vương quốc Bồ Đào Nha. Nhưng thời kì này chẳng ai để ý đến ông. Năm 1504 khi 24 tuổi Magenllan gia nhập quân đội và tham gia chinh phạt Ấn Độ dưới sự chỉ huy của đô đốc Francisco de Almeida , khi đó Magenllan chỉ là một anh lính trơn trong số hàng ngàn tên tiểu tốt tham gia chinh phục thế giới.
          Trong lần chinh phạt đầu tiên này Magenllan nhanh chóng phải nếm mùi lửa đạn, đó là vào ngày 10/3/1506 khi đoàn quân chinh phạt có mặt tại Camanore(Ấn Độ ngày nay), nơi mà trước đó chưa lâu quốc vương Calicut đã tiếp đón thân tình Vasco da Gama. Tại đây quân Bồ Đào Nha đã giao chiến và tránh được thất bại trong may mắn khi có kẻ tiết lộ kế hoạch tấn công của nước sở tại. Magenllan không nằm trong số 80 binh sĩ bị chết trận nhưng lại là một trong số hơn 200 thương binh. Đây là vết thương đầu tiên trong số nhiều vết thương mà ông gặp sau này. Nhưng vết thương đã không làm nhụt chí khí của ông. Ông hiểu rằng thử thách lớn nhất của cuộc đời ông còn đang ở phía trước.
          Rồi Magenllan lại lên đường, lần này là dưới sự chỉ huy của đô đốc Lopez de Sequeira và vùng đất mà ông đặt chân đến là Malaca (Malaixia ngày nay). Tại đây quốc vương Malacca đã nhận ra mối hiểm hoạ mà đoàn tàu từ phương Tây đem đến, do đó vị quốc vương nước sở tại có sẵn một kế hoạch để tiêu diệt đoàn tàu này. Kế hoạch được tính toán kĩ và thực hiện khéo léo, thế nhưng sự nhạy bén của thuyền trưởng Garcia de Susa và sự nhanh nhẹn của anh lính Magenllan đã giúp đoàn thuyền Bồ đào Nha tránh được một thất bại. Ngoài thuyền trưởng, Magenllan còn cứu được người bạn thân là Francisco Serrao - người có ảnh hưởng lớn đến chuyến đi vòng quanh thế giới sau này của Magenllan.
          Lần thứ hai, ông có cơ hội quay trở lại Malaca nhưng là với tư cách một sĩ quan  trên một đoàn tàu gồm 19 tàu chiến của Bồ Đào Nha đến đây để phục hận. Dưới sự chỉ huy của đô đốc Albuquerque quân Bồ Đào Nha chỉ mất 6 tuần lễ để chinh phục được vương quốc này. Sau chuyến đi này Magenllan trở về Lisbone nuôi ý chuẩn bị cho chuyến đi của riêng mình, chuyến đi đó khiến ông trở thành bất tử.

CHUẨN BỊ CHO CUỘC HÀNH TRÌNH MỚI
          Chuyến đi vòng quanh thế giới của Magenllan có lẽ phải bắt đầu từ Serrao - người bạn thân thiết và được ông cứu sống ở Malacca. Serrao đã không trở về Bồ Đào Nha như Magenllan mà ở lại quần đảo Molucques (Indonesia ngày nay) để hưởng một cuộc sống yên bình và hạnh phúc. Tại đây, Serrao vẫn thường xuyên liên lạc và kể cho Magenllan về sự trù phú của hòn đảo mà ông sinh sống: “Tôi khám phá nơi đây một thế giới mới giàu hơn rộng hơn thế giới của Vasco da Gama nữa kia” . Sức hấp dẫn của nơi mà Serrao ở đã lôi cuốn Magenllan tìm ra con đường mới, con đường ngắn nhất để đến được quần đảo Moluques!
          Nhưng đó lại là thời điểm mà quốc vương Bồ Đào Nha không trọng dụng ông, do đó đã không tin lời ông và đương nhiên là không bỏ tiền ra để cho ông thực hiện chuyến đi. Ngay lập tức ông nghĩ đến quốc vương Tây Ban Nha, và cũng như bậc tiền bối là Colomb, Magenllan đã sang Tây Ban Nha để thực hiện chuyến đi vĩ đại của mình.
          Ngày 20/7/1517 Magenllan cùng người nô lệ Henrique tới Tây Ban Nha, tại đây nhờ sự khôn khéo và quả quyết của mình Magenllan đã thuyết phục được vua Tây Ban Nha Charles Quit cho phép thực hiện ý đồ của mình. Tuy được sự ủng hộ hết sức nhiệt thành của vua Tây Ban Nha nhưng trong thời gian chuẩn bị cho chuyến đi ông đã gặp phải rất nhiều khó khăn và trở ngại do sự chống đối của nhiều thế lực, trong đó có cả quốc vương Bồ Đào Nha Manoel. Nhưng đến lúc này không có gì có thể ngăn cản được ý đồ mà ông đã ấp ủ bấy lâu nay sắp thành hiện thực.
          Và vào phút chót trước khi đoàn tàu rời bến, trong một sự tình cờ, Magenllan đã tiếp nhận một anh chàng người Venise(Italia) có tên là Antonio Pigafetta. Anh chàng này tham gia đoàn thám hiểm chỉ vì thích được phiêu lưu và nhờ vào việc thông thạo chữ nghĩa nên anh được Magenllan giao nhiệm vụ ghi nhật kí chuyên đi. Sau này thế giới phải biết ơn Pigafetta vì nhờ có anh mà nhân loại biết được hành trình của chuyến đi ra sao đăc biệt là những lúc khó khăn cũng như huy hoàng của đoàn thám hiểm.   
                                                                                                                   (Còn nữa)