Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Vì sao chất lượng dạy và học môn lịch sử thấp?

Đặng Hữu Tuấn
THPT Phương Sơn - Lục Nam - Bắc Giang 

  Theo kết quả công bố điểm thi tuyển sinh đại học của một số trường năm nay thì điểm thi môn Lịch sử được xem là thấp không ngờ, ngay cả khi so sánh điểm thi môn Lịch sử với những bộ môn khác của khối C như Địa Lí, Ngữ Văn.
 Đây không phải là điều gì mới mẻ bởi tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay, theo thông kê năm 2005 có 58,5% số bài thi môn Lịch sử bị điểm 1 trở xuống, năm 2006 điểm trung bình các bài thi là 1,96, thấp nhất trong số các môn thi vào ĐH, năm 2007 điểm dưới trung bình chiếm 95,74%. Với những kết quả thi như trên chúng ta có thể thấy rõ một sự thật là chất lượng dạy và học môn Lịch sử ở trường Phổ thông hiện nay thấp, nếu như không muốn nói là rất thấp.
 Vậy tại sao chất lượng môn Lịch sử lại thấp như vậy? Lỗi do giáo viên, học sinh hay trương trình, sách giáo khoa… hay do tất cả, và nếu là tất cả thì mỗi một yếu tố trên ảnh hưởng cụ thể là như thế nào? Đây là điều mà đã có rất nhiều học giả, giáo viên lên tiếng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một lí giải nào toàn diện, hầu hết chỉ đưa ra được một vài nguyên nhân nào đó, và do vậy  thường là phiến diện bởi đa số những người lên tiếng lại là những người ngoài ngành hoặc là không trực tiếp đứng lớp giảng dạy Lịch sử ở trong trường Phổ thông.
Nhìn chung, dư luận xã hôi cho đều rằng học sinh chán ghét môn Lịch sử, giáo viên dạy không hấp dẫn và học lịch sử chẳng để làm gì, còn trong trường học môn Lịch sử lại là môn cứu cánh cho những kì thi Tốt nghiệp (thiếu nghiêm túc).
Đúng là hiện nay học sinh về cơ bản là không thích học môn Lịch sử, và do vậy đương nhiên điểm môn sử sẽ không thể cao được. Mà nếu có cao đi nữa thì đó chắc chắn là một điều bất bình thường. Vậy thì tại sao một môn học đáng lẽ ra phải là một trong những học môn học hấp dẫn người học nhất lại trở thành một trong những môn học “đáng sợ” nhất của học sinh?
Với kinh nghiệm gần mười năm đứng trên bục giảng và với sự hiểu biết còn hạn chế của một giáo viên dạy sử ở trường Trung học Phổ thông tôi xin được nêu ra một vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên:
1. Không có giá trị sử dụng.
Học Sử hoặc những ngành phải thi môn Sử thì rất khó kiếm việc làm, mà nếu có việc làm đi nữa thì đó là những việc kiếm ra rất ít tiền. Đó là chưa kể tới việc để có được việc làm họ còn phải mất một khoản tiền không nhỏ để xin việc vì hầu hết những công việc phù hợp với ngành học thường là những công việc làm ở cơ quan nhà nước. Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng là có ít nhất 96% số người làm vì tiền và chỉ muốn làm những việc kiếm ra nhiều tiền. Do đó môn Sử không hấp dẫn họ, hay nói đúng hơn là họ không có động lực để học Sử.
2. Sách giáo khoa.
Ai cũng biết ở Việt Nam tuyệt đại đa số học sinh khi đến trường học thì tài liệu gần như duy nhất để học là sách giáo khoa (tài liệu tham khảo nếu có chỉ là những cuốn sách ôn thi).
Mà sách giáo khoa thì như thế nào? Tôi đã từng đọc hầu hết sách giáo khoa Lịch sử từ lớp 4 đến lớp 12 đang sử dụng hiện nay, và có thể nói một điều là kinh khủng! Sách rất mỏng, ít trang nhưng người ta đưa vào đó một khối lượng kiến thức khổng lồ với đầy dẫy những số liệu mà đến ngay cả giáo viên nếu có nhớ được thì cũng sẽ là thiên tài! Chưa hết, ngôn ngữ thì vô cùng khô khan, câu từ thì cộc lốc, mỗi đoạn thường thì chỉ dăm bảy câu là hết. Và còn vô vàn những thuật ngữ, thậm chí nhiều thuật ngữ khó đến mức giáo viên khó mà giải thích đến nơi, đến chốn được. Đọc sách Sử mà tôi có cảm giác như đang đọc một cuốn sách lí luận. Ngay một giáo viên Sử khi đọc nhiều khi còn cảm thấy như một cực hình, do đó sẽ không có gì là lạ nếu học sinh không muốn đọc nó.
Tôi cũng đã đọc sách lịch sử dành cho học sinh phổ thông nước Pháp và sách của Nguyễn Hiến Lê viết cho học sinh miền Nam trước năm 1975. Đó là những cuốn sách vô cùng hấp dẫn và dễ hiểu, chỉ cần không ghét môn Sử thì khi đọc nó không ai muốn rời quyển sách ra khỏi tay khi chưa đọc xong, mà nếu có ghét đi chăng nữa thì đọc nó rồi sẽ phải suy nghĩ lại. Còn về sách tham khảo, sách Lịch sử đang được bán ở các hiệu sách thì cũng chẳng hơn là bao khi mà rất hiếm có được một cuốn sách hay, chất lượng nếu tác giả của cuốn sách đó là người Việt Nam. Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần đã từng phải thốt lên “học sinh không thích học sử, học văn, ta phải mừng vì sách sử, sách văn hiện quá lôm côm ".
3. Thời lượng dạy trên lớp quá ít.
Nói điều này sẽ có nhiều người cười, vì môn nào chả kêu là được dạy quá ít, và có môn nào là không kêu gào để được tăng tiết dạy đâu. Ở đây tôi chỉ lấy một ví dụ. Theo GS TSKH Vũ Minh Giang (hiện là Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) trong một lần phát biểu trên trương trình 8h tối thứ 6 ngày 5/9/2008 của kênh VTV2 ông nói rằng ở Mĩ, Pháp trong trường Phổ thông học sinh được học 4, 5 tiết/tuần. Còn ở Việt Nam 3 năm THPT học sinh chỉ được học 140 tiết/105 tuần,  trung bình chưa đầy 1,5 tiết/tuần. Thật là kì lạ là ở Việt Nam rất coi trọng chính trị, và môn sử là môn gần chính trị nhất, vậy mà môn Sử lại là môn bị đối xử bạc nhất. Có lẽ tại Mĩ, Pháp kém văn minh hơn ta cho nên họ cần phải học sử nhiều vì sự hiểu biết nhiều hay ít về Lịch sử được coi là một tiêu chí đánh giá trình độ văn minh của một  quốc gia mà!
4. Quan điểm lịch sử thiếu khách quan, khoa học.
 Với việc coi môn Sử là một môn dạy phải phục vụ mục đích chính trị nên nội dung kiến thức được viết ra theo quan điểm của Đảng và nhà nước, và do đó không cho phép giáo viên, học sinh có quan điểm khác. Đây là một điều cần phải xem xét lại! Bởi vì điều này sẽ hạn chế khả năng tư duy sáng tạo của học sinh, biến học sinh thành cái máy dập khuôn theo những gì thầy cô(mà thực chất là sách) nói. Lịch sử là một môn khoa học xã hội và nhân văn, mà đã là môn khoa học xã hội và nhân văn thì không thể có đúng hay sai tuỵệt đối được(các môn khoa học khác cũng vậy nhưng không rõ ràng bằng). Lịch sử là khách quan, nhưng nhìn nhận lịch sử là chủ quan. Không thể nói rằng tôi thấy nó đúng thì bắt mọi người cũng phải công nhận là đúng được. Thế là học sinh khi đọc sách sử chỉ thấy ta đúng họ sai, ta tốt họ xấu, ta thắng họ thua, ta sống họ chết… Cho nên học sinh thường chỉ được biết và hiểu theo hướng một chiều hết sức phiến diện và đương nhiên là theo quan điểm của người khác. Vẫn biết là khi dạy thì cần phải định hướng cho học sinh nhưng điều đó không có nghĩa là áp đặt hoàn toàn mang tính chất bắt buộc được.
5. Giáo viên thiếu tâm huyết.
Dạy lịch sử cần có tâm huyết, yêu nghề thì mới dạy hay được. Nhưng hiện nay giáo viên nói chung và giáo viên dạy Lịch sử nói riêng hầu hết là không tâm huyết với nghề. Lí do chính là công việc này không mạng lại thu nhập đảm bảo cuộc sống. Sẽ không quá khi nói rằng giáo viên hiện nay có thể chia làm 4 loại nếu xét về nguồn thu nhập: thứ nhất là những giáo viên coi việc dạy học trên lớp là phụ dạy thêm là chính; thứ hai là những giáo viên coi dạy học là phụ kinh doanh ngoài là chính; thứ ba là những giáo viên coi dạy học là chính và không làm thêm (những người này hoặc là không muốn hoặc là không biết làm thêm việc gì nên họ thường là nghèo); thứ tư là những giáo viên coi day học là chính (những người này thường là giáo viên nữ có chồng giàu có và do vậy đương nhiên là họ cũng chẳng chí thú gì việc dạy học). Như thế có thể thấy rất ít giáo viên tâm huyết với nghề và do đó bài giảng thường thiếu đi sự hấp dẫn người học, trở nên khô khan thiếu sức thuyết phục.
6. Không được xã hội coi trọng đúng mức.
 Trong trường học môn Sử luôn bị coi là môn phụ, thường bị lãnh đạo và đồng nghiệp và kể cả xã hội nhìn bằng ánh mắt thiếu thiện cảm (vì những giáo viên dạy Toán, Lí… có giá hơn!). Còn học sinh và phụ huynh thì có suy nghĩ đơn giản rằng học Sử chẳng có ích gì vì nó không phục vụ cho việc thi và kiếm tiền sau này.
Đọc văn kiện Đại hội Đảng chúng ta cũng thấy Đảng và nhà nước cũng đã nhận ra điều này và nhấn mạnh là phải coi trọng và tăng cường các môn khoa học xã hội và nhân văn trong trường học nhưng sau mỗi lần cải cách giáo dục và thay sách người ta lại thấy những môn này bj hạ thấp hơn. Có lẽ những điều được nói ra và đưa thành khẩu hiệu là những điều người ta không bao giờ làm! (Nguyên nhân này không khó hiểu. Lấy một ví dụ: Ở Hoa Kì để trở thành một viên chức nhà nước ứng viên phải vượt qua một bài kiểm tra kiến thức Lịch sử, và để được bổ nhiệm một chức vụ cao hơn hay ứng cử một vị trí nào đó như nghị sĩ chẳng hạn thì người ta cũng phải vượt qua bài kiểm tra kiến thức Lịch sử, vị trí càng cao thì mức độ khó cũng cao hơn, do đó đương nhiên bài kiểm tra dành cho ứng viên Tổng thống là khó nhất. Lãnh đạo hiểu biết về Lịch sử, hiểu được giá trị của bài học Lịch sử cho nên sẽ không có gì là ngạc nhiên khi Hoa Kì chỉ có hơn 200 năm Lịch sử lại coi môn Sử là một trong những môn quan trọng nhất ở trường Phổ thông).
          7. Phương pháp dạy học lạc hậu.
Đây là nguyên nhân dễ nhận thấy nhất và cũng được nói đến nhiều nhất nhưng mặt khác cũng là nguyên nhân khó khắc phục nhất. Và khi nhắc đến nguyên nhân này thì người ta chỉ làm một việc đơn giản duy nhất là đổ lỗi cho giáo viên. Nhưng thực chất giáo viên chỉ là người chịu hậu quả của một nền giáo dục lạc hậu đã kéo dài mà thôi. Tất cả Giáo viên đều biết rất rõ về điều này nhưng họ gần như không có lựa chọn khác.
 Phương pháp day học truyền thống và vẫn phổ biến hiện nay là thầy giảng rồi đọc cho trò chép. Mặc dù trong mâý năm gần đây Bộ Giáo dục có tiến hành cải cách, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, chủ động đối với người học, lấy người học làm trung tâm và triển khai rất quyết liệt đến giáo viên nhưng đến bây giờ có thể khẳng định rằng trương trình đổi mới phương pháp dạy học vẫn chỉ được thực hiện trên lí thuyết và khẩu hiệu.
Thực tế là rất khó có thể áp dụng đổi mới phương pháp dạy học được vì trương trình, điều kiện hiện nay không cho phép mặc dù hầu hết giáo viên đều rất muốn. Có cả ngàn lí do cản trở việc thực hiện đổi mới phương pháp, ở đây tôi chỉ nêu ra 2 lí do chính:
1, Áp lực thi cử(đúng hơn là áp lực thành tích), nếu không đọc cho trò chép thì trò không ghi chép được và do đó chẳng biết học như thế nào để phục vụ cho những bài kiểm tra mà nếu như không thuộc thì không làm được;
2, Bài học quá dài, thời lượng 1 tiết là 45 phút nhưng nhiều bài dài đến 7, 8 trang SGK(khổ 17 x 24cm) với cả gần chục đề mục, trong khi giáo viên rất khó có thể lược dạy hay cho học sinh tự học vì sợ thi vào học sinh không làm được và  đến khi đó họ lại phải chịu trách nhiệm.
8. Trang thiết bị, đồ dùng dạy học thiếu.
Ở hầu hết các trường trang thiết bị dạy học Sử đều rất thiếu, đặc biệt là trường dân lập ở các địa phương. Thường thì chỉ có một số ít bản đồ còn mô hình, sa bàn thì hoàn toàn không có. Trong khi chi phí cho một mô hình lịch sử còn đơn giản và rẻ hơn nhiều so với một máy phát điện hay một kính hiển vi. Giáo viên khi lên lớp vẫn thường là phải tự làm ra đồ dùng để phục vụ cho bài dạy của mình.
9. Cách thức tổ chức và ra đề kiểm tra.
Ở Việt Nam áp lực thi cử đối với học sinh là rất lớn. Sở dĩ có áp lực lớn là vì một phần là do cách tổ chức thi và cách ra đề kiểm tra.
Về cách tổ chức thi thì thường là thi cả khối và trộn học sinh các lớp vào với nhau, và ngoài kì thi cuối kì lại còn có cả thi giữa kì, thậm chí có trường còn tổ chức cả kiểm tra 45 phút chung nữa. Điều này gây áp lực tâm lí  nặng nề cho học sinh khi mà vừa mới trải qua kì thi này đã phải chuẩn bị cho kì thi sau.
Còn cách ra đề thì thường là thi đề chung của toàn địa phương(tỉnh hoặc huyện), điều này khiến cho Giáo viên buộc phải dạy đầy đủ kiến thức trong sách vì nếu nhỡ thi vào nội dung mà Giáo viên cho học sinh về nhà tự học(vì bài quá dài và trường hợp này thì học chẳng bao gời học) thì học sinh điểm thấp và đương nhiên là họ phải chịu trách nhiệm.
10. Dạy đúng phân phối chương trình.
Giáo viên buộc phải dạy đúng phân phối chương trình quy định mặc dù hiện nay giáo viên được phép điều chỉnh phân phối chương trình cho phù hợp nhưng sẽ rất phiền phức khi có đoàn thanh kiểm tra đến nên hầu như chẳng ai làm việc này. Trong khi các trường hiện nay đều phân luồng học sinh theo khối thi do đó cách dạy và phân phối chương trình từng lớp cần có sự khác nhau, đặc biệt là khi lên lớp dạy có rất nhiều tình huống phát sinh khiến Giáo viên phải điều chỉnh cho phù hợp. Và hệ quả là Giáo viên thường xuyên phải chạy cho kịp chương trình.
Ở các nước phát triển Giáo viên được tuỳ chỉnh chương trình và bài dạy miễn sao đến cuối học kì họ đảm bảo dạy đủ số tiết và hoàn thành chương trình cho nên họ thoải mái thực hiện những ý tưởng dạy học khác nhau hay cùng học sinh giải quyết đến nơi đến chốn một nội dung nào đó của bài học.

Bài viết đã được Vietnamnet đăng, tuy nhiên khi Vietnamnet đăng lên thì đã cắt một số câu, đưa thêm đề mục mới vào và thay đổi nhan đề bài viết thành “Vì sao học sinh ghẻ lạnh với môn lịch sử”. Việc đưa thêm đề mục mới vào giúp người đọc dễ hiểu hơn nhưng cắt một số câu có thể khiến người đọc hiểu sai ý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét